Chiếc Nhẫn Không Có Chủ Nhân - Chương 13
Có khá nhiều học viên đến ghi danh tại xưởng kim hoàn Thanh Nguyên. Ngoài thầy dạy chính là chủ xưởng còn có hai giáo viên phụ là Khánh và Nam – người làm cùng thời với Khánh hai mươi mấy năm về trước.
Các học viên được chia thành nhiều lớp, thời khóa biểu cũng khác nhau. Nhân, Phúc, Đăng và Tuấn học chung một lớp do Khánh quản lý.
Vào buổi học đầu tiên, chủ xưởng chỉ tay vào Khánh nói với bọn học trò: “Chú Khánh là thợ xuất sắc ở đây, từ giờ chú ấy sẽ dạy các trò. Một khóa học kéo dài sáu tháng, sau ba tháng sẽ có một kỳ kiểm tra chính và hằng tuần sẽ là những kỳ kiểm tra phụ. Sở dĩ kiểm tra thường xuyên như vậy là để xem tay nghề của các học viên, ai yếu kém sẽ được trau dồi, rèn luyện ngay tức thì. Và sau khóa học sẽ có một kỳ thi nho nhỏ, ai vượt qua được kỳ thi sẽ trở thành thợ chính thức.”
Căn dặn những điều cần thiết, người đàn ông tóc bạc vào trong nhường lại lớp học cho Khánh. Hắn lướt mắt qua bốn người học trò đang đứng thành một hàng dài rồi dừng lại ở Nhân. Đôi mắt hắn chợt tối sầm. Hắn nhận ra cậu chính là người mà con gái mình nói chuyện ở trước cổng trường hôm nọ. Hắn nghĩ Nhân cố tình lợi dụng cô gái ngây thơ như Linh để kiếm chác nên từ lần đầu gặp ấy, hắn đã có ác cảm rồi. Nay gặp lại, sự ác cảm trong con người hắn tăng gấp bội. Vì thế trong quá trình dạy, hắn cố tình đối xử bất công với Nhân, luôn cáu gắt, tỏ thái độ khó chịu và gây khó dễ cho cậu. Ba học viên còn lại, hắn không xét nét một lời. Nhân cứ nghĩ do mình làm sai nên mới bị ‘thầy’ Khánh ‘giáo huấn đặc biệt’, cậu không hề có suy nghĩ tiêu cực.
Bốn chàng học viên trạc tuổi nhau. Một trong số ấy là Phúc – cháu ruột của Xuân, gọi Khánh là dượng. Vì ỷ mình nhà giàu nên lúc nào cũng hống hách, trịch thượng, coi trời bằng vung. Phúc có cậu bạn thân là Đăng. Người cuối cùng là Tuấn – chàng trai kiệm lời, chất phác, vô cảm với vạn vật xung quanh, luôn chìm đắm trong thế giới của riêng mình cho tới một ngày gặp Trang…
Sáng nay Nhân đến lớp sớm. Xưởng kim hoàn khá rộng, một bên là nơi làm việc và dạy học, một bên là nhà ở – nơi các thành viên trong gia đình Trang sum họp, ngủ nghỉ. Hai nơi cách nhau bởi một khu vườn trồng đầy hoa. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các người thợ đã cho ra đời những sản phẩm tinh tế, hoàn hảo tiết kiệm thời gian và công sức. Đa phần, thợ kim hoàn ở xưởng Thanh Nguyên làm theo yêu cầu của khách hàng chứ không làm sẵn rồi bán ra trên thị thường như các cửa tiệm.
Vì đến sớm nên Nhân đi tham quan một vòng quanh xưởng. Mặt trời buổi sớm le lói. Sương tan. Cỏ khô ráo. Vầng mây tách đôi, từng chùm, từng chùm hoa nắng rớt xuống li ti, vàng ươm dưới gót chân cậu.
Trong ánh sáng loang loáng của buổi sáng tinh khôi, cậu cảm nhận được mùa thu chầm chậm trôi, những cơn nắng vàng mơ màng, những giọt mưa thu rơi nhẹ bờ môi, những buổi bình minh rạng rỡ và những cánh hoa bay dưới chân.
Thoảng trong làn gió là tiếng dương cầm của ai đó cất lên đánh động không gian buổi sớm bằng những nốt trầm bổng êm dịu. Nhân đi theo tiếng nhạc dẫn đến một căn phòng ở trên tầng hai. Cậu ngước nhìn cánh cửa kính trong suốt có rèm kéo qua, trông thấy một cô gái đang ngồi đàn. Ban công trồng đầy hoa dạ yến thảo. Trong ánh nắng nhạt nhoà, từng chùm hoa màu hồng lả lơi buông xuống, thả vào hồn cậu những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến. Gió đưa hương bay tràn ngập khắp không gian, dạ yến thảo trông như dòng thác màu hồng đổ xuống từ bầu trời.
Bất chợt cửa sổ mở toang. Nhân giật mình nhưng vì quá bất ngờ nên cậu cứ đứng ngẩn người ra đó. Đôi mắt cậu chạm phải đôi mắt sáng rực của Trang. Trong thâm tâm cả hai đều nhận ra mình từng gặp đối phương.
Nhân bừng tỉnh, vừa xoay lưng để đến lớp học thì nghe giọng Trang cất lên.
“Đợi đã…”
Trang vui mừng vì gặp lại người mà mình mong ngóng bấy lâu. Cô không xuống dưới nhà đường hoàng đi cổng chính mà leo qua cửa sổ để gặp Nhân cho nhanh.
Cậu hốt hoảng: “Cẩn thận đó.”
Độ cao từ ban công cửa sổ tầng hai đến dưới mặt đất không cao lắm nhưng do trượt chân nên Trang ngã xuống. Nhân nhanh chóng chạy tới đỡ lấy cô. Cả hai ngã bẹp xuống bãi cỏ. Trang không thấy đau ngược lại còn cảm thấy êm êm, không phải do cô ngã xuống cỏ mà vì cô đè lên người Nhân. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, hai đôi môi gần như chạm nhau.
Nhân khẽ cựa quậy làm Trang nhận ra mình đang ở trong tư thế không hay cho lắm nên ngồi dậy. Cô vuốt lại tóc, nhe răng cười với Nhân, không hề đỏ mặt hay mắc cỡ gì cả. Có lẽ vì cô quá vui khi gặp lại cậu.
“Anh là học trò của ông ngoại em hả?” Trang chủ động bắt chuyện.
“Ông ngoại?” Nhân tròn mắt ngạc nhiên rồi trong một giây, cậu hiểu người mà Trang muốn nói là ai. Cậu khẽ gật: “Đúng thế. Thì ra em là cháu ông ấy.”
Trang cười hi hi, đứng dậy phủi quần: “Trái đất đúng là tròn thật đấy. Em tên Trang, mười bảy tuổi.”
Nhân vừa đi vừa trả lời: “Anh tên Nhân, lớn hơn em một tuổi.”
Trong lúc này.
Phúc và Đăng đứng dưới một bóng râm nhìn họ.
Phúc làu bàu: “Thằng này gớm thiệt, mới học có mấy buổi mà đã quen được cháu gái ông chủ.”
Đăng phản bác: “Chắc không phải đâu. Biết đâu họ là người yêu của nhau hoặc quen biết nhau từ trước thì sao?”
“Tôi không tin. Nhìn khoảng cách giữa họ và bộ dạng ngại ngùng của thằng Nhân thì không thể nào là người yêu của nhau được. Chúng nó chỉ mới gặp nhau lần đầu thôi. Cậu ta cố tình tiếp cận Trang là có mục đích.” Phúc suy luận.
“Mục đích gì?” Đăng quẹt mũi hỏi.
Phúc chê bai thằng bạn: “Sao cậu ngốc quá vậy? Thì để hoàn thành khóa học này, từng bước đi lên trở thành cháu rể của ông chủ và chiếm luôn cái xưởng kim hoàn này.” Trí tưởng tượng của Phúc quả thật rất phong phú.
“Không phải chứ.” Đăng gãi mũi, nhíu mày rồi ngó bạn: “Mà sao cậu biết tên cô gái đó? Như vậy cậu cũng ranh ma có khác gì cậu ta đâu.”
“Ờ thì…” Phúc cứng miệng, nguýt thằng bạn một cái dài rồi bỏ đi.
Đăng nhìn theo lẩm bẩm: “Chưa biết ai tiếp cận ai à?”
Giờ giải lao, Phúc mon men tiến lại bàn của Nhân. Cậu cố tình đi qua đi lại trước mặt Nhân, nói bóng nói gió: “Hình như có người vừa quen được cháu gái chủ xưởng thì phải. Chắc là muốn một bước lên mây đây nhưng mà kẻ đó đã quên mất một điều, cóc ghẻ mà đòi ăn thịt thiên nga. Đúng là nằm mơ giữa ban ngày.”
Nhân chăm chú vào cuốn sách để trước mặt nhưng không tập trung đọc, tai dỏng lên khi nghe Phúc nói. Cậu không ngốc đến mức không biết ai đó đang xỉa xói mình.
“Đi cửa sau là con đường nhanh nhất dẫn đến thành công và sự giàu có. Tiếc là tôi không được như thế.” Một người bình luận.
Phú ngồi trên chiếc bàn của Nhân, tiếp tục mỉa mai: “Cuộc sống này đúng là không công bằng. Tại sao có người lại có được chiếc ô lớn che trên đầu còn có người lại chẳng có gì.” Rồi cậu tặc lưỡi: “Bất công quá.”
Nhân xô ghế đứng lên định bước ra khỏi lớp học thì bị Phúc ngáng chân khiến cậu ngã oạch xuống đất. Ai nấy đều cười rộ lên.
Phúc thừa cơ hội châm chọc tiếp: “Sao đi đứng không cẩn thận gì hết vậy? Vội vàng như thế phải chăng có tật giật mình?”
Nhân không phản ứng, mặt đanh lại đứng dậy đi một mạch ra khỏi lớp học trong những tràng cười chế giễu của lũ bạn. Đúng lúc Trang bước vào. Nhìn thấy vẻ mặt u ám của Nhân, cô hỏi các chàng trai.
“Các người làm gì anh Nhân vậy?”
Giọng nói của Trang cất lên giữa lớp học chỉ toàn con trai làm Tuấn chú ý.
Phúc nhún vai: “Ai dám làm gì người tình của cô chủ Đoan Trang, không khéo bị vạ lây.”
Chỉ với một lời nói, Trang hiểu ngay Nhân đang gặp phải tình huống gì. Cô đi theo hướng mà cậu vừa rời đi.
Đăng huých vai Phúc: “Cậu hơi quá rồi đấy. Lỡ như đó không phải là sự thật thì cậu đang xúc phạm người ta đấy.”
Phúc khoanh tay, nói chắc nịch: “Tôi dám cá là thằng Nhân có tình ý gì với con nhỏ Trang. Không tin, cậu cứ chờ mà xem.”
Tuấn không tham gia câu chuyện của Phúc, mà từng chút, từng chút một in sâu vào đầu hình bóng Trang. Giọng nói, nụ cười, đôi mắt tất cả dần dần tỏa vào tâm hồn cậu những niềm vui, an nhiên, sự giản dị. Trọn trái tim cậu mềm đi với thứ tình cảm đơn phương thầm kín của riêng mình.
Trang tìm thấy Nhân ngồi ở ghế đá tại vườn hoa. Trời xanh rẽ mây chiếu những tia nắng xuống mặt đất đầy cỏ, rớt trên vai cậu lấp lóa tinh khôi. Cơn gió thoảng qua cuốn đi những chiếc lá dưới bãi cỏ. Tiếng lá xào xạc. Tiếng gió vi vu.
Trang khe khẽ bước đến nhưng vẫn phát ra âm thanh sột soạt. Nhân biết ngay là cô nhưng vẫn thờ ơ như không thấy. Cô ngồi cạnh cậu, cậu liền dịch ra xa một chút.
Mặt Trang xị xuống, cô nói: “Anh đừng nghe những gì họ nói, họ cố tình chọc anh để nhìn thấy vẻ mặt thất bại của anh đấy. Anh đừng để bị mắc lừa.”
Nhân như được khai sáng trí óc, cậu lẩm nhẩm: “Đúng rồi nhỉ, nếu mình tức giận thì có khác gì thừa nhận những gì họ nói là đúng.”
Trang nghe thấy, nở nụ cười trên môi nhưng chỉ được ba mươi giây, tới giây thứ ba mươi mốt, nụ cười cô tắt ngấm khi nghe Nhân nói tiếp: “Nếu không có việc gì Trang đừng gặp tôi, không khéo mọi người sẽ hiểu lầm đấy rồi lại nói ra nói vào.”
“Tại sao chứ?” Trang giãy nảy: “Miệng lưỡi của họ, anh không cấm được đâu. Cứ mặc kệ đi, xem họ như không khí.”
Trước mồm mép lanh lợi của Trang, Nhân chỉ còn biết thở dài. Nhưng cho dù cậu có tránh mặt Trang đi chăng nữa thì với bản tính lì lợm, cố chấp của mình, cô cũng chẳng dễ gì bỏ qua.
Và cũng chính vì bị Trang đeo bám mỗi khi tới lớp mà Phúc mới có cơ hội giễu cợt và xỏ xiên Nhân.
“Từ gà đất mà muốn trở thành phượng hoàng ư, cậu nghĩ mình có tư cách sao? Nhìn lại mình đi xem có phù hợp không? Đúng là nằm mơ giữa ban ngày.”
Nhân im lặng để mình Phúc độc thoại.
“Mặt cậu dày thật đấy, nói đến mức này mà vẫn có thể bình thản được à? Nếu đổi lại là tôi thì tôi đã tìm nơi để trốn hoặc nghỉ học rồi.”
Nhân vẫn chọn cách lặng thinh, xem như đó là tiếng muỗi bay vo ve bên tai.
Đăng khều vai Phúc: “Cái đó không phải là mặt dày mà là không quan tâm.”
Phúc nổi cáu: “Cậu im đi. Rốt cuộc cậu là bạn ai hả?”
Đăng trưng ra vẻ mặt ngơ ngác: “Bạn cậu nhưng tôi chỉ nói sự thật thôi.”
Vốn dĩ muốn cho Nhân bẽ mặt, cuối cùng người bị bẽ mặt lại chính là mình, Phúc tức điên cầm lấy ly cà phê để trên bàn hất vào người cậu. Vết cà phê nhanh chóng loang ra khắp chiếc áo sơ mi trắng của cậu. Nhân không tỏ thái độ gì, vào nhà vệ sinh rửa áo.
Qua ngày hôm sau Nhân vẫn đến xưởng với chiếc áo có vết ố vàng của cà phê.
Phúc thừa dịp châm biếm: “Không phải là nhà cậu nghèo đến mức không có tiền mua áo mới đấy chứ? Cậu có biết mặc áo bẩn đến lớp là một sự sỉ nhục đối với những người dạy không hả?”
Lần này Trang không để yên được nữa, cô nói một câu khiến Phúc ngậm miệng: “Có câu vĩ nhân chẳng bao giờ chú trọng tới cách ăn mặc còn kẻ tầm thường thì luôn để ý tới điều đó.”
Phúc tím mặt, trong ánh mắt lộ rõ vẻ tức giận và bẽ bàng. Lửa giận trong người cậu dâng lên ngùn ngụt khi nghe Đăng nói: “Cô ấy chửi xéo cậu đó.”
“Tôi đâu có ngu đâu mà không biết.” Phúc xổ cơn giận lên đầu cậu bạn, tự nhủ sẽ tìm cách trả đũa sau.
Đăng không dưng bị chửi, mặt ngu ngơ chẳng hiểu gì.
Trang muốn học làm bánh nên nhờ mẹ dạy. Sau khi hướng dẫn kỹ càng từng bước một, Nguyên giao lại gian bếp cho cô con gái vụng về vì tin vào lời hứa của cô rằng “Con sẽ không làm mẹ thất vọng”.
Mọi chuyện diễn ra có vẻ suôn sẻ cho đến khi gian bếp xuất hiện một chú gián. Gián là loài vật mà Trang ghét nhất nên vừa nhìn thấy chú ta bay lượn lờ, cô nhảy phóc lên ghế, không quên cất cao giọng oanh vàng của mình đánh thức không gian tĩnh lặng. Khuỷu tay cô quẹt qua tô trứng khiến nó lật úp, đổ vương vãi dưới sàn nhà.
Dường như chú gián thích thú khi trêu đùa cô gái vốn không sợ trời, không sợ đất nhưng lại sợ mình nên chú ta tiếp tục đùa dai. Chú ta bay đến đậu lên thành ghế – nơi Trang đang lẩn trốn. Vừa quay sang chạm phải con vật xấu xí, cô la lớn như cháy nhà, nhảy xuống từ trên ghế, giẫm phải trứng nên trượt chân ngã oạch, khuỷu tay và mông đập xuống sàn.
Trang nắm lấy khăn trải bàn, vịn vào đó để đứng lên nhưng vì cô kéo mạnh, chiếc khăn dần tuột khiến thau bột mì đổ ập xuống đầu mình. Gian bếp ngăn nắp qua tay cô lập tức biến thành bãi chiến trường.
Trang lồm cồm bò dậy, mình mẩy đau nhức. Chú gián đậu một góc, giương mắt nhìn cô như trêu tức. Cô có cảm giác như chú ta đang cười cợt mình nên chơi trò đuổi bắt với chú ta trong gian bếp lộn xộn.
Một người chạy lòng vòng cố bắt một con vật đang bay. Có lẽ vì quá mệt mỏi khi cô chủ Trang không bắt được mình, gián ta bay ra ngoài tìm đồng loại. Theo quán tính, cô chạy theo đụng phải Nhân làm cả hai ngã nhào.
Nhân trố mắt nhìn bộ dạng thảm hại của Trang, tự hỏi không biết cô chui ra từ ống cống nào.
Trang phủi bột mì dính trên mặt, ngồi cười khì với Nhân. Lần nào cả hai gặp nhau cũng trong tình trạng khó đỡ.
Đang cười, sực nhớ đến mẹ sắp về, Trang mếu máo: “Làm sao đây, mẹ về mà thấy như thế này, thế nào mẹ cũng la em cho coi.”
Nhân dòm vô gian bếp, suýt bật ngửa rồi cậu cười nói: “Để anh dọn cho.”
Trong lúc Nhân dọn dẹp đống đổ nát do Trang gây ra thì cô ngồi trên ghế, thoa dầu lên khuỷu tay bầm tím của mình.
Nửa tiếng sau, gian bếp trở nên sạch bóng và gọn gàng như lúc đầu.
Trang ngẩng đầu nhìn khắp một lượt, mắt tròn xoe: “Anh giỏi thật.”
Nhân cười gãi đầu: “Có gì đâu, ở nhà anh vẫn hay dọn dẹp mà. Trong nhà không có bàn tay phụ nữ cho nên mọi thứ anh đều phải tự làm lấy. Mà nguyên nhân là sao vậy?”
“Em muốn làm bánh bông lan… cho anh…” Trang nói hai chữ “cho anh” lí rí trong miệng nhưng không hiểu sao Nhân vẫn nghe thấy. Cậu cảm động đến mức tim mềm nhũn. Phút giây sâu lắng chợt ngưng bặt khi cậu nghe Trang nói tiếp: “Cũng tại con gián chết tiệt…”
Nghe xong câu chuyện của Trang, Nhân cảm thấy vừa buồn cười khi cô một mình chiến đấu với gián đến nỗi khiến căn bếp trở nên ngổn ngang, lại vừa xúc động khi biết cô vì mình mà lần đầu tiên vào bếp.
“Đổ bể tan tành hết rồi, làm sao mà làm tiếp được đây?” Trang thở hắt ra.
“Thật ra em không cần phải…”
Không đợi Nhân nói hết câu, Trang ngoan cố cắt ngang: “Không được, em nhất định phải làm.”
Cô bước đến tủ lạnh xem thử còn nguyên liệu nào để làm bánh không. Vẫn còn một ít bột mì và hai quả trứng, cô bắt tay vào làm bánh bông lan với những nguyên liệu ít ỏi đó. Nhớ lại các bước mà mẹ đã chỉ dẫn, chẳng mấy chốc cô đã hoàn thành xong chiếc bánh và đặt nó vào trong lò nướng.
Thời gian nướng bánh kết thúc, Trang lấy bánh ra khỏi lò. Chiếc bánh vàng ươm, thơm phức. Cô tròn mắt không thể tin là mình có thể nướng bánh chín vàng đều vào lần đầu. Cô cứ nghĩ bánh mình nướng sẽ có màu của than và còn khét nữa chứ nhưng kết quả ngoài mong đợi.
Nhân xuýt xoa: “Màu sắc của chiếc bánh đẹp quá, chắc ăn vào sẽ rất ngon.”
Trang cắt bánh bỏ vào đĩa rồi chuyền sang cho Nhân ăn thử. Cậu bẻ một mẫu bánh cho vào mồm, nhai qua nhai lại. Khi bánh tan trong miệng, trôi xuống cuống họng, vẻ mặt cậu trở nên kỳ quặc.
Trang hồi hộp hỏi: “Thế nào, có ngon không? Ngon lắm đúng không?”
Nhân trả lời gượng gạo: “Ờ… phải, rất ngon.”
“Thật hả?” Trang hí hửng bóc lấy bánh. Vừa đưa vào mồm đã vội phun ra, nhăn nhó: “Khó ăn quá.” Lúc này cô mới nhớ ra là mình bỏ nhầm đường thành muối, có thêm một chút… bột ngọt.
Trang định đem đĩa bánh đi vứt thì Nhân giựt lại. Cậu nói: “Ăn cũng được mà, không đến nỗi nào đâu. Dù sao thì em cũng đã bỏ công sức ra làm, vứt đi thì phí lắm.”
“Nhưng ăn vào sẽ đau bụng đó.”
“Dạ dày anh tốt lắm, không đau đâu.”
Trang nhìn Nhân ăn bánh một cách ngon lành, cô bỗng thấy áy náy vì tật đểnh đoảng của mình. Không muốn cậu một mình ăn hết đĩa bánh dở tệ đó, cô bóc lấy mẫu bánh thật bự nhét vào mồm, cố nuốt. Biểu hiện của cô làm cậu không nhịn được cười. Cô cũng cười theo. Không khí giữa hai người ngập tràn niềm vui. Có một ánh mắt dõi theo cô từ xa, hạnh phúc khi thấy cô cười. Nhưng niềm hạnh phúc ấy mặn đắng như chiếc bánh bông lan không đường.