Chiếc Nhẫn Không Có Chủ Nhân - Chương 10
Hòa vừa đi khỏi, chiếc xe chở Xuân dừng lại trước cổng. Cô bước xuống và nhìn vào trong, không thấy bé Nhân đâu cả. Mọi ngày thằng bé vẫn ngồi ở ghế đá đối diện cổng trường để chờ cô tới đón. Xuân hỏi cô giáo thì biết bé Nhân được một người đàn ông tự nhận là chú, dẫn đi.
Cô nhíu mày, lẩm nhẩm: “Người đàn ông? Chú? Không lẽ là kẻ bắt cóc?” Cô định gọi cho chồng nhưng nghĩ thế nào lại cất điện thoại vào túi xách, khóe môi cười gian tà: “Như vậy càng tốt, cứ để nó bị bắt đi, bán qua nước ngoài cũng được. Mình đâu có dư thời gian đến mức phải nuôi con thiên hạ. Dù sao thì đây cũng không phải là lỗi của mình.”
Khánh đi làm về nhà. Chắc hôm nay mặt trời mọc ở hướng tây nên hắn mới về nhà sớm như thế. Hắn vẫn làm việc ở xưởng kim hoàn Thanh Nguyên.
Thấy Xuân ngồi chễm chệ trên ghế dũa móng tay, bé Linh ngồi bên cạnh chơi búp bê, hắn hất đầu hỏi: “Thằng Nhân đâu, sao cô không đón nó?”
“Tôi có tới trường đón nó nhưng nó bị bắt đi rồi.” Xuân trả lời bình thản.
Khánh tròn mắt: “Bắt đi rồi? Là sao? Ai bắt?”
Xuân thản nhiên: “Thì bọn bắt cóc chứ ai.”
Khánh sững sờ xen lẫn ngạc nhiên: “Con tôi bị bắt cóc mà cô lại dửng dưng như vậy sao?”
Xuân trưng ra vẻ mặt ngơ ngác: “Anh buồn cười thật đấy, con anh bị bắt cóc chứ có phải con tôi đâu sao tôi phải lo lắng? Mọi ngày nó vẫn chờ tôi, hôm nay nó ngu ngốc đi theo kẻ xấu. Tôi cũng hết cách.”
Khánh gắt: “Nếu cô tới đón nó sớm thì nó đâu có bị bắt đi. Cô đúng là vô trách nhiệm.”
Xuân đứng phắt dậy, nói một tràng: “Anh ăn nói cho đàng hoàng, ai mới là kẻ vô trách nhiệm? Anh là ba nó nhưng tôi có thấy anh quan tâm tới nó đâu? Anh giao nó cho tôi chăm sóc, tôi cũng làm đúng như anh yêu cầu trong khi đó tôi rất bận. Tôi còn phải trông coi cửa hàng, rồi tới trường đón bé Linh. Còn anh thì sao, anh làm được những gì cho cái nhà này hay anh chỉ biết rượu chè, gái gú?”
Xuân có cửa hàng thời trang, chỉ mướn một nhân viên duy nhất. Vì không tin tưởng nhân viên nên ngày nào cô cũng ra cửa hàng trông coi.
Khánh bị lời nói của Xuân làm cho cứng họng. Hắn lập tức liên hệ với những người mình quen biết, mở cuộc tìm kiếm khắp thành phố X tìm con trai nhưng hoài công. Sau nhiều tháng tìm không được, hắn tin rằng bé Nhân thật sự đã bị bọn người xấu bắt cóc. Hắn hối hận vô cùng, giá như hắn quan tâm con mình một chút thì chuyện tồi tệ này đã không xảy ra. Nhưng thời gian hối hận của Khánh chỉ diễn ra đúng một ngày rồi mọi chuyện lại đâu vào đó. Hắn tiếp tục tìm cuộc vui bên các cô vũ nữ chân dài của hắn.
Lại nói về Hòa, sở dĩ Khánh không tìm được là vì anh đã đưa bé Nhân trở về quê hương của mình, ngoại ô thành phố X, cách biệt cuộc sống xô bồ nơi thị thành. Anh nghĩ rằng thà ở vùng quê hẻo lánh, ít người qua lại còn hơn sống nơi đô thành náo nhiệt – nơi con người luôn sỉ vả nhau bằng những lời lẽ khó nghe. Khánh không lường trước được chuyện này nên đã không cho người tìm kiếm ở vùng ngoại ô. Từ sau khi bị ông thanh tra chửi té tát, hắn không bén mảng đến nhà tù nữa. Và sau năm năm, hắn dường như đã quên mất mình từng có một kẻ thù là Hòa.
Đối với anh, vùng ngoại ô là nơi bắt nguồn của mọi đau thương ập đến trong đời mình nhưng lại là sự khởi đầu cuộc sống mới cho bé Nhân.
Vì nhà đã bị đốt nên Hòa đã mượn tiền của Quân mua một ngôi nhà nho nhỏ ở gần bìa rừng trúc. Bốn bề cây cối xanh tươi, núi non trùng điệp. Phong cảnh mỹ lệ lại thanh bình, tĩnh lặng. Ở đây, các con đường đầy cỏ dại. Nhà nào cũng có ban công và mảnh vườn riêng. Trong những mảnh vườn thơm mùi lá chuối non và mùi bạc hà cay nồng. Bạc hà mọc rải rác bao quanh các bức tường rong rêu, ẩm mốc dọc hai bên lối đi. Qua những kẽ nứt của tường vỡ có thể nhìn thấy núi đồi nhấp nhô và vòm trời cao vời vợi.
Hằng ngày anh thiết kế và đúc trang sức bán cho cửa tiệm của Quân để trả nợ tiền mua nhà, khách hàng rất thích những món đồ lấp lánh anh làm. Anh tiết kiệm được một khoản để lo việc học cho bé Nhân. Anh cũng đã làm thủ tục nhập học ở trường mới cho thằng bé. Số tiền còn lại anh để dành phòng khi đau ốm bệnh tật và cuộc sống sau này của thằng bé.
Cửa sổ nhà Hòa mở ra là thấy ngay mảnh trời trong veo, có nắng ấm và gió nhẹ, có núi cao và chim bay. Tối đến, ánh trăng rực sáng ngoài bìa rừng, những ngôi sao thưa thớt trên trời và những ngọn gió thổi vào làng từ phía núi, mang theo mùi cỏ ngai ngái. Ánh trăng vàng vọt trên cao chiếu bóng xuống vạt cỏ, lấp lánh tinh khôi. Giá như đời người cứ mãi sáng như thế, như vầng hào quang chói lọi, lòng người cứ trong như thế, như vầng trăng bàng bạc mỗi đêm, không sân si, không đố kỵ thì ắt hẳn chúng ta sẽ không có quá nhiều giọt lệ để rơi càng không có những niềm đau chôn vùi và những vết xước trong tâm khảm.
Từ nhà anh đi bộ chừng vài bước về hướng Đông là rừng trúc. Ánh sáng ở nơi đây luôn sáng sủa và ấm áp dù ngày hay đêm. Ban ngày nhờ muôn ngàn tia nắng. Buổi tối nhờ ánh trăng tròn vành vạnh. Vì thế chỉ cần mở mắt ra là có thể nhìn thấy tận cùng của ánh sáng. Bé Nhân vẫn hay chạy vào rừng rong chơi vào lúc ánh chiều tà nhuộm hồng các nhành cỏ dại. Thuở ấy là cuối thu, lá rụng rất nhiều. Con đường vào rừng rải đầy lá vàng, thảm lá dày đặc trải dài hút tầm mắt. Buổi tối, khu rừng ngập tràn ánh sáng bởi vô số những con đom đóm bay lơ lửng như những vì sao rớt xuống trần gian. Khung cảnh thơ mộng, hiền hòa.
Như mọi ngày, khi màu hồng của nắng chiều tô điểm lên vạn vật, Hòa đứng ở cửa gọi lớn: “Nhân ơi, về ăn cơm.”
Thằng bé lon ton chạy về. Tuy bữa cơm đạm bạc nhưng do được chăm sóc chu đáo cộng với phong cảnh hữu tình, thiên nhiên tươi đẹp nên sức khỏe của nó mau chóng bình phục, có da có thịt, trắng trẻo, dễ thương chứ không còn gầy trơ xương như lúc trước. Thằng bé cũng đã quên hết những chuyện đau thương xảy ra trong quá khứ, quên luôn cả hình ảnh mụ phù thủy độc ác và thôi gặp ác mộng mỗi đêm. Nó trở nên hiếu động, nghịch ngợm và bắt đầu gọi Hòa là ba.
Tiếng ‘ba’ ấy nghe thân thương làm sao. Những lúc nhìn đứa bé hoan hỉ sống hạnh phúc, trong tâm hồn người đàn ông nghèo khổ chợt trào dâng một cảm xúc mới mẻ. Anh sống cô đơn suốt bao nhiêu năm qua. Tuổi trẻ anh có gì: lòng nhiệt thành, những xúc động dịu dàng nơi con tim, niềm vui nho nhỏ khi anh nghĩ đến mối tình đầu. Tất cả đã rơi vào đáy vực sâu thăm thẳm. Giờ đây còn lại bên anh là những tháng ngày an yên bên cạnh bé Nhân – đứa con trai không cùng huyết thống. Phải chăng thượng đế đã ban tặng thằng bé cho anh bầu bạn sớm tối trong quãng đời về sau.
Cuộc đời Hòa đã từng gặp biết bao kiểu người. Những kẻ lọc lừa, xảo trá và cũng có những con người lương thiện, nhân hậu. Ví như Dũng sẹo – đại ca giang hồ khét tiếng nhưng có lòng trắc ẩn trước uẩn khúc của anh, người quản lý nơi công trường đã cho anh cơm hộp, vị hòa thượng đã cưu mang anh trong những ngày đầu anh vượt ngục. Và bé Nhân đã mang đến anh một bình minh tươi sáng. Lần đầu tiên anh thấy cuộc đời thật đẹp biết bao.
Ở trường, bé Nhân kết thêm nhiều bạn mới. Mỗi chiều tới trường đón con trên chiếc xe đạp cọc cạch, Hòa luôn nhìn thấy thằng bé vui chơi cùng một nhóm bạn. Lũ trẻ đùa giỡn với nhau bằng sự ngây ngô và trong sáng của chúng. Nhìn cảnh tượng yên bình ấy, anh thấy lòng nhẹ bẫng và ước gì được trở về ngày thơ bé. Vô tư khóc, vô tư cười, không cần phải bận lòng đến chuyện cơm áo gạo tiền. Thế giới trẻ thơ thật hồn nhiên biết bao.
Trên đường về nhà, thế nào bé Nhân cũng nũng nịu đòi ba Hòa ghé hiệu sạch để mua truyện tranh. Hiệu sách cũ kỹ, mang màu hoài niệm. Anh chiều theo ý con trai, mua cho nó vài cuốn nhưng dặn nó phải học xong rồi mới được đọc. Thằng bé ngoan ngoãn vâng lời. Nhờ giáo dục tốt, cách dạy bảo đúng đắn nên thành tích của thằng bé rất giỏi. Năm nào cũng nhận bằng khen. Anh treo những tấm bằng khen ấy giữa nhà. Bức tường cũ nát nhưng nhờ có những tấm bằng khen của bé Nhân mà trở nên sáng loáng.
Mười hai năm sau.
Tại một trường cấp ba, Nhân cùng các bạn của mình chụp hình kỷ niệm vào ngày lễ tốt nghiệp, kết thúc mười hai năm đèn sách.
Từ cậu bé ngày nào, Nhân giờ đây đã trở thành chàng thiếu niên mười tám khôi ngô, tuấn tú với nụ cười tỏa nắng. Tính cách điềm đạm, hiền lành đến mức ngờ nghệch nhưng lại vô cùng tốt bụng, giúp người không toan tính. Có lẽ do cậu được Hòa nuôi dưỡng nên phần nào có tính cách giống người ba nuôi dù cho dòng máu đang chảy trong người cậu không phải của anh.
“Cuối cùng chúng ta cũng tốt nghiệp rồi. Các cậu có dự tính gì cho tương lai chưa?” Cô bạn đeo cặp kính dày cộm trên sống mũi, hỏi.
“Mình sẽ thi vào ngành y.” Người trả lời là cậu bạn có mái tóc xoăn tít.
“Mình đang phân vân giữa kinh tế và xã hội học. Đó là do ba mẹ mình đề xuất chứ mình vẫn chưa chọn.” Cô gái kẹp chiếc nơ hồng trên tóc, nói.
“Mình thì làm gì cũng được miễn là chỗ đó có đồ ăn.” Anh chàng mập vừa nói vừa nhét vào mồm mẩu bánh to tướng.
“Cậu chỉ biết có ăn.” Cô bạn Kính Cận bĩu môi rồi quay sang Nhân, hỏi: “Còn cậu thì sao? Bộ cậu không tính thi đại học hả?”
Nhân đáp: “Mình sẽ học nghề. Nhà mình nghèo làm gì có tiền học đại học hơn nữa mình không yên tâm khi để ba sống một mình không ai chăm sóc.”
Cô bạn Nơ Hồng lên tiếng: “Cậu chỉ là con nuôi của ba cậu nhưng lòng hiếu thảo của cậu còn hơn cả con ruột.”
“Công ơn dưỡng dục bao giờ cũng lớn hơn công ơn sinh thành. Ba Hòa thương mình lắm, luôn dành mọi điều tốt đẹp cho mình nhưng mình vẫn cảm thấy mình chưa làm tròn bổn phận của một người con.”
Nhiều lúc Nhân tự hỏi nếu không có ba Hòa đem về nuôi thì cuộc đời mình sẽ như thế nào nếu tiếp tục sống trong căn biệt thự cùng người mẹ ghẻ tàn ác và người ba ruột vô tâm. Vì thế công ơn nuôi dưỡng của Hòa, cậu luôn ghi lòng tạc dạ.
“Ba cậu tuyệt thật đấy, chẳng bù cho ba mình, ông ấy chỉ thương mẹ mình thôi. Ba mình hay nói như thế này này…” Cậu bạn mập nhại lại giọng ba mình: “Con có biết mẹ con là người mà ba yêu nhất. Nếu con làm mẹ phiền não, ba sẽ tống con vào chùa.”
Những người bạn còn lại phá lên cười trong khi chàng mập kia lại xụ mặt xuống.
“Thế cậu sẽ học nghề kim hoàn của ba cậu phải không?” Anh bạn Tóc Xoăn hỏi.
“Đúng thế.” Nhân gật đầu.
“Vậy sau này mình kết hôn mình sẽ nhờ cậu đúc một chiếc nhẫn kim cương nhé.” Cô bạn Nơ Hồng điệu đà nói.
“Không thành vấn đề nhưng nhẫn kim cương đắt giá lắm đó.” Nhân vui vẻ.
“Cậu cứ lo xa, nhà cậu ấy giàu như vậy nhẫn kim cương có xá là gì.” Anh chàng mập lườm cô bạn Nơ Hồng, nói với Nhân.
“Xin lỗi các anh chị…” Giọng nhỏ nhẹ của một cô gái cất lên làm cả bọn quay lại. Cô gái chìa bó hoa trước mặt Nhân, cúi đầu nói: “Xin anh hãy nhận, chúc mừng anh đã tốt nghiệp.”
“Cảm ơn đàn em.” Nhân nhận lấy bó hoa, mỉm cười nói.
Cô gái mắc cỡ, vụt chạy đi mất.
Cậu bạn mập huých khuỷu tay Nhân, ngó theo cô gái ấy, nói: “Hình như cô bé lớp mười một đó thích cậu thì phải.”
“Không phải đâu, cậu đừng nói bậy. Chẳng phải các cậu cũng được tặng hoa sao, như vậy các cậu cũng có người thầm thương trộm nhớ à?” Nhân phản đối.
Chàng mập sờ cằm: “Vấn đề không phải ở chỗ đó, mà vấn đề chính là… hành động của cô bé ấy cứ là lạ. Ngượng ngùng, e lệ, khi nói với cậu còn không dám nhìn thẳng vào mặt cậu nữa. Như vậy không thích thì là gì.”
Cô bạn Kính Cận đánh vào vai cậu: “Có thể do người ta mắc cỡ thì sao? Cô bé ấy đâu có học chung khóa với chúng ta, tặng hoa cho đàn anh tất nhiên là có chút xấu hổ rồi.”
“Mình thì lại nghĩ khác, nếu không có tình ý gì với Nhân thì sao lại tặng hoa? Cô ấy có tặng hoa cho mình và thằng mập kia đâu.” Cậu bạn Tóc Xoăn đưa ra giả thiết làm cô bạn Kính Cận gật gù, nhận thấy những gì bạn mình nói cũng có lý.
Nhân xen ngang: “Được rồi, đừng nói chuyện này nữa. Nói tóm lại là mình còn nhiều việc phải làm, mình còn phải kiếm tiền nên không nghĩ tới chuyện yêu đương sớm đâu.”
Cậu bạn Tóc Xoăn quàng vai Nhân, cười bí hiểm: “Kiếm tiền để cưới vợ chứ gì.”
“Không có.” Nhân thẳng thừng: “Kiếm tiền nuôi ba, nuôi bản thân. Ba đã vất vả vì mình nhiều rồi, đã đến lúc mình phải đi làm để đền đáp công ơn của ông ấy.”
“Các cậu đừng có tin những gì Nhân nói, mình dám cá chắc là cậu ấy kiếm tiền cưới vợ đấy.” Cậu bạn Tóc Xoăn cưới hích hích.
Người thân của Kính Cận, Nơ Hồng, Tóc Xoăn và chàng mập đều đã tới. Các vị phụ huynh chúc mừng con mình đỗ tốt nghiệp. Còn Nhân cứ ngóng mắt về phía cổng trường đợi ba mình tới. Tối hôm qua Hòa có nói với con trai rằng anh nhất định sẽ đến vào lễ tốt nghiệp của cậu nhưng lễ tốt nghiệp sắp kết thúc mà vẫn chẳng thấy đâu. Chắc đường xa nên ba đến muộn. Nhân nghĩ và bước tới gần cổng trường để chờ.
“Anh Nhân…” Cô gái học lớp mười một lúc nãy tặng hoa cho Nhân bước đến sau lưng cậu, khẽ gọi.
“Ủa, là em à? Có chuyện gì không?” Nhân xoay người lại, hỏi.
“Thật ra… em… lúc nãy có nhiều người nên em không dám nói… thật ra em…” Cô gái ấp úng mãi mà vẫn không nói thành câu.
Nhân vẫn nhẫn nại, đứng đó đợi cô nói tiếp.
Cô gái hít sâu rồi cất lời: “Thật ra em thích…”
Chữ ‘anh’ còn chưa thốt ra, cô gái giật mình bởi giọng của một người đàn ông ăn mặc đúng chuẩn giới thượng lưu đứng trước cổng trường.
“Gia Linh.”
Cô gái giật mình ngẩng đầu lên nhìn về phía ấy, gọi ba rồi chạy tới.
Người đàn ông nhìn Nhân với vẻ khinh thường rồi kéo tay con gái lên xe. Chẳng mấy chốc, chiếc xe thời thượng chạy vụt đi, cách xa cổng trưởng.
Khi xe chạy được một đoạn, hắn quay sang nói: “Sao con lại nói chuyện với loại người không ra gì?”
“Loại người không ra gì?” Linh chớp mắt rồi cười: “Ý ba nói anh Nhân đó hả, anh ấy là đàn anh của con. Hôm nay anh ấy tốt nghiệp, con chúc mừng anh ấy thôi.”
Nghe con gái nhắc đến chữ ‘Nhân’, Khánh giật nảy người rồi hắn nghĩ chắc trùng tên thôi.
“Nhìn cách ăn mặc của nó cũng biết là dân nghèo rớt mồng tơi, từ nay con không được giao du qua lại với nó nữa.” Khánh hừ mũi.
Linh thu lại nụ cười: “Sao vậy ba? Anh ấy có làm gì đâu, tụi con là bạn mà.”
“Phải biết chọn bạn mà chơi, loại người như nó sẽ làm hư con đấy. Nhà mình không cùng tầng lớp với những kiểu người như thế, không chừng nó sẽ lợi dụng con. Thấy sang bắt quàng làm họ, con chưa nghe câu này sao? Đừng để ba bắt gặp con chơi với những loại người đó nếu không thì đừng có trách ba vô tình.”
Linh ấm ức, không nói nữa. Cô ngồi xoay lưng lại với ba mình, mặt bí xị.
Gia Linh – con gái của vợ chồng Khánh và Xuân, năm nay mười bảy tuổi, đang học lớp mười một. Là cô gái dịu dàng, nết na, nói năng nhỏ nhẹ. Tuy sống trong nhung lụa gấm hoa nhưng cô không có thói kiêu căng, khinh khi người nghèo như ba mình mà ngược lại đối với họ, cô luôn dành tình yêu thương và sự thông cảm, thấu hiểu sâu sắc. Tuy mẹ cô chiều chuộng cô hết mực nhưng Xuân lại là người mẹ xấu tính. Còn ba cô, người đàn ông tàn nhẫn, vô đạo đức, khinh rẻ kẻ nghèo khó sau này lại chính là người đẩy cô vào vực thẳm.
Ở trong hoàn cảnh u tối, Linh vẫn giữ được tâm hồn thánh thiện, như đóa hoa sen nở giữa bùn lầy, tỏa hương thanh khiết.
Trên con đường vắng vẻ, nắng chiều nhuộm tím rực rỡ, ngoài chiếc ô tô sang trọng của Khánh còn có chiếc xe đạp cà tàng của Hòa. Dĩ nhiên là họ không nhìn thấy đối phương.
Hòa dừng xe trước cổng trường. Nhân mừng rỡ khi thấy ba mình đến, cậu chạy lại: “Con còn tưởng ba không tới nữa chứ?”
“Hôm nay là lễ tốt nghiệp của con trai ba sao ba có thể không tới được.” Đây, tặng con, chúc mừng con đã tốt nghiệp.” Hòa lấy từ trong giỏ xe ra chiếc máy bay điều khiển từ xa đưa cho Nhân. Có lẽ anh nghĩ Nhân vẫn còn là cậu bé sáu tuổi ngày xưa.
Nhân cảm thấy buồn cười trước món quà trẻ con của ba mình.
“Ba làm như con là con nít không bằng. Người đàn ông tuổi mười tám không còn chơi mấy thứ này nữa đâu.”
Tuy nói vậy thôi chứ cậu vẫn nhận lấy chiếc máy bay vì đó là món quà ba cậu tặng mà.
Đám bạn Kính Cận chạy ùa tới, lễ phép cúi chào Hòa. Nhân không quên giới thiệu và ca tụng ba mình. Tóc Xoăn đề nghị chụp hình lần nữa. Nhân kéo tay Hòa lại gần để chụp chung nhưng anh từ chối. Cậu phải năn nỉ mãi, anh mới đồng ý.
Bức ảnh những chàng trai, cô gái thiếu niên xinh tươi, rạng ngời cùng người đàn ông khắc khổ, lam lũ được Nhân đặt trang trọng tại góc học tập của mình. Những con người trong bức ảnh đó đã tạo nên cậu của ngày hôm nay.
Ba năm cấp ba tựa như một bản tình ca đầy những nốt trầm bổng. Cậu cùng các bạn say sưa viết lên trên đó tuổi xuân rực rỡ của mình, những đoạn hồi ức cùng có với nhau. Tình bạn đẹp đẽ đến mức không thể nắm bắt trọn vẹn. Riêng kí ức nơi ấy vẫn sáng lấp lánh.
Trước mặt Nhân là quyển vở toán học đã viết gần hết. Cậu lật đến trang cuối cùng, viết vào đấy dòng chữ Thời học sinh đã trôi qua rồi xé nó ra, gấp thành chiếc máy bay. Cậu ném chiếc máy bay ra ngoài ô cửa sổ, máy bay nương theo gió bay lượn vài vòng thay cho lời tạm biệt của cậu đối với thời học sinh. Cậu cũng đã sẵn sàng cho chặng hành trình mới: vào đời.